Nhật thực hình khuyên tháng 10, Mặt Trời, Mặt Trăng và Sao Thuỷ hội ngộ tại 11 độ cung Thiên Bình, rơi vào ngay trăng non tháng 9 Âm lịch. Đây là lúc để chiêm nghiệm về hai chữ cân bằng.
Cân bằng không phải là đích đến, cân bằng là Đạo.
Ba điều Kinh Lễ chú trọng: đừng bất kính, dung mạo nghiêm cẩn và lời nói an định. Kính cẩn mà vẫn còn kiêu ngạo tất sẽ hiện ra dung mạo, lời nói vì thế cũng mang sát thương. Cân bằng là biết giữ ba điều trên mà biến hoá theo tình huống, thời cuộc.




Lại đọc Kinh Dịch, “Biến hoá giả, tiến thoái chi tượng,” túc biến hoá, chỉ là cái tượng của sự tiến rồi thoái. Biến ở đây nghĩa là tiệm biến, là lên xuống có nhịp độ, không phải là đột biến, cực âm hoá cực dương. Cân bằng là biết khi trong người âm thịnh thì cần trở về ôm ấp; khi dương thịnh thì lan toả chan hoà. Cảm nhận chứ không để chiếm hữu.
Lẽ tiến hay thoái ở bản thân, cốt phải quan sát đại cuộc đang tiến thay thoái. Cân bằng ở chỗ tiến thoái cùng thời cuộc. Cân bằng không phải là cứ thêm vào phần thiếu mà cứ giữ nguyên phần dư. Cân bằng là hiểu tương quan giữa âm dương, ngũ hành để chuyển hoá các dòng chảy trong nội tại mỗi người.
Vinh hoa phú quý không hoá giải được cơn cơ hàn của nhân loại. Chỉ trong sự cân bằng, mới thấy được con đường biến hoá theo thời mà đi vào đúng cửa sinh. Đói rét vẫn sẽ đến rồi lại đi, nhưng không còn chạm đáy vào cảnh cơ hàn.
Người hiểu và hành được chuyện ấy là người có tài. Người có tâm có lòng đem hiểu biết ấy mà truyền cho cộng đồng, ấy là người có đức. Người có tài, có đức là bậc hiền nhân.
Bậc hiền nhân giàu tình thương, tận nhân mệnh tri thiên mạng (làm hết sức mới hiểu được số trời cho mình) mà ra sức giúp người đến khi kết quả, ấy là bậc anh hùng. Nhân có sao Thuỷ phù trợ cho giao tiếp, xin nói về chuyện ăn chuyện nói của một anh hùng.




“Ngôn đạo” nghĩa là ngôn ngữ hợp với đạo. Lễ dùng để giữ người vào quy củ chứ không trói buộc bới vậy người có ý muốn học lễ phải tự tìm đến chứ lễ không tìm truyền dạy cho ai. Người thực hành ngôn đạo, là người giảng lễ, và cũng là người anh hùng.
Anh hùng là bậc hiền giả thấy thân thiết mà vẫn kính cẩn, tuy sợ hãi mà vẫn yêu, tuy yêu nhưng vẫn nhận ra những điểm xấu, tuy ghét vẫn nhận ra những điểm tốt nơi nhân loại. Hành lễ để cân bằng là điểm này.
Đi ngược thời cuộc, không phải là anh hùng. Anh hùng là người hướng cộng đồng theo thời cuộc mà tạo tiền đề để biến hoá nhân loại. Anh hùng là người có niềm tin vào sự cân bằng, và gieo sự cân bằng đó vào niềm tin chung của cộng đồng.
Trong khoảnh khắc sáng tối mập mờ, hãy hành Lễ để về đúng “ngôn đạo” mà thấy rõ thực hư, đúng sai. Mỗi bông hoa nở trên ngôn đạo sẽ góp hương sắc để người và ta cùng hướng đến cân bằng, nhất là khi xung quanh ta và trên thế giới, sự bất cân và bất nhân đang hoành hành.
Đạt đến nỗi cân bằng chung ấy thì chính là nhìn thấy hoà bình nhân loại.




[English subtitle] “Cân bằng” means equilibrium, not balance.