Âm Tiết Tiếng Việt #3: Biến âm và tiếng Việt của ngày sau
Quan sát sự biến hoá của tiếng Việt thông qua tài liệu và ghi chép về các phụ âm kép và cách phát âm trong tiếng Việt trung đại.
English version: here
Chiếc áo lĩnh mà tiếng Việt hiện đại đã cất sâu vào tủ vì chúng ta không còn viết chữ Nôm hằng ngày. Giờ đây, tiếng Việt chuộng mặc sơ mi, quần tây lên phố hơn. Tiếng Việt có thuở cùng tiếng Thái, tiếng Tày, tiếng Chăm, tiếng Khmer lên rẫy, kéo lưới, giờ đã bận nhảy từ app này sang app khác. Từng thay đổi tí hon nối đuôi nhau để rồi hôm nay chúng ta vẫn thi thoảng nghe thấy một từ tiếng Việt chưa từng nghe bao giờ.
Biến âm và những vấn đề phía sau
Ở hai số trước, chúng ta đã thấy sự đa dạng của các âm tiết tiếng Việt, có nghĩa và không nghĩa. Những từ có thể phát âm nhưng chưa có nghĩa trong tiếng Việt, đến một lúc nào đó, sẽ được thể hiện ra.
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta vẫn phát ra những âm tiết không có nghĩa rõ ràng, chẳng hạn như khi nói lái. Để dễ hiểu và liên tưởng, chúng ta thường quy về một âm có nghĩa và đúng quy cách chính tả. Thế nhưng, còn một hiện tượng luôn diễn ra trong mọi ngôn ngữ, và biết đâu có thể giúp mang những âm tiết chưa có nghĩa ra ánh sáng: Biến âm.
Hãy cùng xem mối quan hệ giữa âm tiết, biến âm và chính tả qua các ví dụ sau:
ɓiết → viết
ɓãi → (có thể là) vẫy
ɓá → vá
ɓĕào → vào
ɓợ → vợ
Trong tiếng Việt hiện đại, chữ “b” được ký là âm [ʙ]. Theo Roland Jacques, chữ “b” trong tiếng Việt có hai cách phát âm. Âm đầu tiên phát âm giống “mb”, hít vào hơn là thở ra. Âm thứ hai giống "b" của Hi Lạp, thô hơn "v" của tiếng Việt, được phát âm khi môi mở, được ký là ɓ và thường được ghi là "v" trong Quốc ngữ.
Mở rộng ra những giai đoạn nhóm Việt-Mường tách khỏi Môn-Khmer hay tiếng Việt tách khỏi Việt-Mường, ta cũng sẽ thấy một quá trình biến âm. Quá trình này diễn ra thời điểm chữ Nôm vẫn được sử dụng, và để có thể so sánh với các ngôn ngữ cùng ngữ hệ (Mường, Bana, Chứt, Arem,…), các nhà ngữ lý học đã tái kiến tạo cách phát âm cổ của tiếng Việt.
Trên nền tảng đó, nhà nghiên cứu Trần Trí Dõi đã cho thấy tiếng Việt có xu hướng đơn âm tiết hoá triệt để qua các thời kỳ phát triển. Tuy nhiên, vào thời kỳ từ điển bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, tức giữa thế kỷ XVII, chúng ta vẫn có các phụ âm kép như tl, bl và ml (ví dụ, tiêu ngươi “trêu ngươi”, blan blở “trăn trở”, mlầm “ lầm lỡ”). Từ điển Việt-Bồ-La cũng ký lại các phụ âm trên, và dẫn dạng đơn âm tiết tương ứng.
Một cuộc đời vẫn đang sống
Chính tả ngày nay là kết quả của mấy ngàn năm hình thành và phát triển của tiếng Việt. Trong suốt quá trình đó, hiện tượng biến âm liên tục diễn ra, bên cạnh sự giao thoa và ảnh hưởng giữa các ngôn ngữ, văn hoá và vùng địa lý. Chính tả như là một ngôi nhà chung của muôn vàn âm tiết khác nhau trên khắp Việt Nam. Từ thế kỷ 16, chúng ta đã thấy chính tả thay đổi song song với biến âm. Vậy còn hiện tại thì sao?
Mỗi ngày, tôi biết thêm một chút về cách tiếng Việt ngày nay phát âm; biết thêm rằng nhiều từ thường dùng của mình có gốc gác hay ảnh hưởng ở tiếng khác (như trăng trong tiếng Việt và tlăng tiếng Chăm). Và tôi cũng biết thêm rằng chúng ta sẽ còn gọi Hà Nội là Hà Nội sau bao thời gian giao thoa và mâu thuẫn với “Henei”. Và đến bây giờ, tôi vẫn hay viết “tạm biệt” trên Google Docs và “toạm buỵt” trên Whatsapp, “biết gì hong?” lúc vui bình thường và “bik gì khum” lúc sắp cao hứng gây chuyện gì đó. Tôi không biết ngày sau tiếng Việt sẽ nói thế nào và nói những gì. Âm tiết nào sẽ còn vang, âm nào sẽ còn văng vẳng đâu đây, và âm nào sẽ vang lên từ trong lòng tiếng Việt.
Và chính sự biến đổi đó giúp tôi hiểu ra rằng: sự giàu đẹp của âm tiết tiếng Việt không phải là một định lý cần chứng mình; sự giàu đẹp đó là một cuộc đời vẫn đang còn sống, và chúng ta hãy cứ quan sát cuộc đời ấy. Và quan sát mãi thôi.
Lời cảm ơn
Đây là bài cuối cùng trong loạt 3 bài nghiên cứu về Âm tiết tiếng Việt của Lướt Code. Chúng là tiền đề để 4 tháng vừa qua, chúng tôi mở rộng dự án này ra thành một chương trình hỗ trợ nghệ sỹ cùng sáng tác trên chủ đề “Tiếng Việt".
Từ đội ngũ thực hiện dự án ⎯ Yui Nguyễn, Nhân Phan, Ngọc Võ, cám ơn quý bạn đọc đã theo dõi.
Âm Tiết Tiếng Việt là bộ 3 bài nghiên cứu khởi đầu trong khuôn khổ Dự Án Tiếng Việt, được tổ chức bởi Lướt Code
Những phần khác của Âm Tiết Tiếng Việt:
Để đọc về toàn bộ Dự Án Tiếng Việt, hãy bấm vào đây.
English version of Vietnamese Syllable trilogy: