Âm Tiết Tiếng #2: Nói lái và "góc khuất" của tiếng Việt
Đi sâu vào hiện tượng đơn âm tiết hoá và quy cách phát âm của tiếng Việt hiện đại qua ví dụ nói lái. Từ đó, thử thiết kế lại bàn phím tiếng Việt cấu thành từ âm tiết thay vì từng chữ cái.
English version: here.
Vì sao đời thay đổi khi ta thôi đẩy?
Vì sao bà đó bị bò đá?
Vì sao mơ hão khiến ta hao mỡ?
Vì sao tôi lấy vợ lại là vơ lấy tội?
Vì sao người ta chưa chán leo núi Chứa Chan?
Vì sao Lạng Sơn lại có lợn sang?
Vì sao hàng trăm anh ngó thì vẫn để cho anh ngắm?
Vì sao người ta chả sợ gì, chỉ sợ già?
Vì mình nói lái chứ sao!
Nói lái - Đặc sản của tiếng Việt
Nói lái là một biện pháp chơi chữ dân gian, thường tạo ra những câu chữ vừa thanh vừa tục, thể hiện sự hài hước của người nói hay để “mã hoá” câu nói. Với chúng mình, nói lái là một nét đẹp vượt thời gian của tiếng Việt; bạn có thể nói lái cho những thế hệ lớn, nhỏ hơn mình và tất cả mọi người đều bật cười!
Tuy vậy, không phải nói lái ở ngôn ngữ nào cũng giống nhau. Tiếng Việt có hai yếu tố để nói lái trở thành cách chơi chữ phổ biến và buồn cười:
Yếu tố thứ nhất là ranh giới giữa các âm tiết (hay tiếng) rất rõ ràng; đọc xong một tiếng rồi mới qua tiếng khác. Tính chất này của tiếng Việt tạo điều kiện cho người nói và người nghe phân tích các âm tiết thành phần dễ dàng và nhanh chóng. Đây cũng là lý do chúng ta có thể nói lái ngay trong đầu mà không cần phải kẻ bảng hay phân tích thành phần âm của một tiếng.
Yếu tố thứ hai; nói lái đơn giản là hoán vị phụ âm, hoặc nguyên âm, hoặc thanh của hai âm trở lên. Với cấu tạo âm của tiếng Việt, cộng với tính chất “đọc sao viết vậy”, việc hoán vị này trở nên dễ dàng và đa dạng hơn các ngôn ngữ khác. Hầu hết các phụ âm đều có thể kết hợp với bất kỳ vần nào có mang thanh điệu và trong đa số trường hợp, tạo nên những tiếng có nghĩa. Nghe cứ tưởng tiếng Việt nhà mình “tính cả rồi”, nhưng có rất nhiều trường hợp khiến mình “rối cả tình”.
Trong hơn 30.000 từ (gồm từ đơn lẫn từ ghép) chúng mình đã lọc ra trong bộ từ điển ở số 1, có 6.000 từ đơn hay tiếng có nghĩa .Với số lượng đó, khi ta hoán vị các thành phần của tiếng, dễ dàng tạo ra một tiếng khác cũng có nghĩa, hoặc một tiếng phát âm gần với một tiếng có nghĩa.
Tuy vậy, cũng còn rất nhiều trường hợp hoán vị lại tạo ra một âm không có chính tả. Ở Âm Tiết Tiếng Việt #1, trong quá trình hệ thống các âm tiết trong tiếng Việt, chúng tôi nhận ra công thức tạo nên một tiếng trong tiếng Việt như sau:
phụ âm + nguyên âm + phụ âm
Từ bộ dữ liệu ở tập 1, chúng mình phát triển một giao diện để tra cứu âm Tiếng Việt từ cấu trúc phụ âm + nguyên âm + phụ âm, thay vì bàn phím thông thường.
Giao diện được phát triển với p5.js. Bạn có thể thử vọc bàn phím này ở đây.
Bằng cách tách 6,000 tiếng xuất hiện trong từ điển thành 3 vựa: phụ âm đầu, nguyên âm, và phụ âm cuối, sau đó lại tổ hợp các phụ âm và nguyên âm này lại, chúng mình tạo ra được 82,250 tiếng. Các tiếng tạo mới này bao gồm cả 6,000 tiếng trong từ điển, lẫn các tiếng đúng cấu trúc nhưng chưa có trong từ điển. Khi nói lái, chúng ta dễ bắt gặp các tiếng chưa có trong từ điển này.
“Góc khuất” của tiếng Việt
Khi nói lái, chúng ta dễ bắt gặp các tiếng chưa có trong từ điển tiếng Việt.
Trong chính tả tiếng Việt, không có tiếng “thuyềt” hay “vổt”. Những tiếng có phụ âm cuối là “c”, “ch”, “t”, “p” (phụ âm vô thanh) chỉ có thể đi với thanh sắc hoặc thanh nặng.
Trong 82,000 tiếng tái tạo, chúng tôi lọc ra được gần 24,000 tiếng có phụ âm cuối phát âm… hơi khó như thế này. Khi gặp những âm này, chúng ta thường tìm một âm tương tự để đọc cho thuận miệng, hay còn là biến âm.
Trong chính tả tiếng Việt, không có tiếng “thuyềt” hay “vổt”. Những âm có phụ âm cuối là “c”, “ch”, “t”, “p” (phụ âm vô thanh) chỉ có thể đi với thanh sắc hoặc thanh nặng. Vì thế khi thử tưởng tượng một câu/từ để nói lái, chúng mình sẽ khựng ở những âm như thế. Thường, chúng mình sẽ tìm một âm tương tự để thay vào, nhẩm nhẩm xem nó có vui hay… tục không.
“Đọc sao viết vậy.” Khi chúng mình xem lại danh sách những tiếng có chính tả kỳ cục, chúng mình đã thử đọc chúng to lên. Chúng mình nghĩ: “Ồ nếu như phụ âm cuối vô thanh của âm này được bật ra nhẹ sau đó, âm này sẽ trở thành song tiết”. Ví dụ như: “vổt” có thể đọc là “vổ *thở nhẹ t*” chứ không phải vổ-tờ (từ này đọc lái thành “vỡ tổ” được nè mọi người).
Nhưng mà tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm tiết mà đúng không? Đúng, nhưng phần lớn quãng đời của nó, trong tiếng Việt có tồn tại tính song tiết, nhưng không còn được bảo lưu đến thời hiện tại. Bên cạnh đó, xuất phát điểm của chính tả tiếng Việt hiện đại đến từ việc ký âm. Và với chúng mình, những tiếng có phụ âm cuối bật nhẹ này có khả năng để ký lại nhiều âm trong ngôn ngữ khác và trong thiên nhiên.
Âm Tiết Tiếng Việt là bộ 3 bài nghiên cứu khởi đầu trong khuôn khổ Dự Án Tiếng Việt, được tổ chức bởi Lướt Code
Những phần khác của Âm Tiết Tiếng Việt:
Để đọc về toàn bộ Dự Án Tiếng Việt, hãy bấm vào đây.
English version of Vietnamese Syllable trilogy: